HỘI THẢO KHOA HỌC CHỦ ĐỀ "BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG GIÁO DỤC"

11:31, 13/06/2023
1137
0

Nhằm mục đích tạo diễn đàn trao đổi học thuật cho các giảng viên, các nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực công tác xã hội. Ngày 26 tháng 05 năm 2023, được sự cho phép của Ban giám đốc Nhà trường, Khoa Công tác xã hội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Bình đẳng giới trong giáo dục”. Mục đích của Hội thảo là tạo ra diễn đàn để các nhà nghiên cứu, giảng viên, các nhà thực hành trao đổi và bàn luận để có nhìn nhận về bình đẳng giới trong giáo dục. Từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong giáo dục

Giảng viên Khoa Công tác xã hội chụp ảnh với các nhà khoa học và khách mời

Ban Tổ chức Hội thảo đã vinh dự được đón tiếp Lãnh đạo Nhà trường, Lãnh đạo các đơn vị phòng ban, tập thể giảng viên Khoa Công tác xã hội và các tham dự viên là Quý Thầy/Cô giảng viên, nhà nghiên cứu khoa học và các em sinh viên.

ThS. Phạm Thanh Hải trình bày đề dẫn khai mạc Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ThS. Phạm Thanh Hải, Phó trưởng khoa CTXH nhấn mạnh vai trò bình đẳng giới trong đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục. Hội thảo là diễn đàn trao đổi để các nhà khoa học và học giả chia sẻ trao đổi và bàn luận để có nhìn nhận về bình đẳng giới trong giáo dục. Để đạt được mục tiêu bình đẳng giới trong giáo dục, sự đồng lòng và hợp tác của tất cả các bên liên quan là rất quan trọng. Các cơ sở giáo dục cần thực hiện những biện pháp cụ thể như đánh giá và nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo cơ hội học tập và phát triển bình đẳng cho tất cả các cán bộ nhân viên, học sinh, không phân biệt giới tính. Cán bộ nhân viên giáo dục cần được đào tạo về nhận thức giới tính và tư duy bình đẳng giới, để có thể tạo ra một môi trường học tập và làm việc chất lượng và công bằng. Đồng thời, chính phủ và các cơ quan quản lý giáo dục cần thúc đẩy và hỗ trợ việc thực hiện các chính sách và quy định liên quan đến bình đẳng giới trong giáo dục. Đây bao gồm việc đảm bảo tuân thủ pháp luật, xây dựng và thực hiện chính sách đánh giá và thăng tiến công bằng, cũng như đảm bảo sự tham gia của cán bộ nữ trong các quyết định quan trọng về giáo dục.

TS. Nguyễn Thị Hoa Tâm – Phó Giám đốc CSII ĐH Lao động – Xã hội phát biểu

Tại buổi Hội thảo cô TS. Nguyễn Thị Hoa Tâm – Phó Giám đốc CSII ĐH Lao động – Xã hội đã nhấn mạnh trong các cơ sở giáo dục tại Việt Nam, việc thực hiện bình đẳng giới với người học và cả với cán bộ nhân viên là một nhiệm vụ quan trọng để xây dựng một môi trường học tập và làm việc công bằng, khuyến khích sự phát triển và thúc đẩy sự đa dạng. Bình đẳng giới với người học đồng nghĩa với việc tất cả các học sinh, bất kể giới tính, được đảm bảo cơ hội tiếp cận và phát triển tiềm năng của mình một cách công bằng. Ngoài việc đảm bảo bình đẳng giới với người học, việc thực hiện bình đẳng giới với cán bộ nhân viên cũng là một yếu tố quan trọng trong xây dựng một môi trường giáo dục công bằng. Trên hết, bình đẳng giới với người học và cán bộ nhân viên trong các cơ sở giáo dục tại Việt Nam không chỉ là một nguyên tắc, mà còn là mục tiêu phát triển xã hội. Chúng ta cần thay đổi nhận thức, xây dựng môi trường giáo dục bình đẳng và tạo cơ hội công bằng cho tất cả mọi người. Chỉ khi đó, chúng ta có thể xây dựng một hệ thống giáo dục mạnh mẽ, phát triển và đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội hiện đại. Bình đẳng giới không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân mà còn là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững và cân bằng của cả xã hội.

ThS. Phạm Thi Oanh trình bày tham luận

Mở đầu Hội thảo, ThS. Phạm Thi Oanh, Trường KHXH&NV, Trường Đại học Vinh đã trình bày tham luận “Những khó khăn thách thức và các giải pháp nâng cao bình đẳng giới trong tiếp cận giáo dục ở Nghệ An”. Tác giả nhấn mạnh thực hiện bình đẳng giới trong tiếp cận giáo dục ở Nghệ An gặp rất nhiều khó khăn và thách thức như: Cơ hội tiếp cận với giáo dục chưa đồng đều ở các vùng đô thị - nông thôn, giữa đồng bằng – vùng núi, vùng sâu, vùng xa và ngay trong các hộ gia đình có mức sống không đồng đều nhau. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục ở Nghệ An như: về nhận thức của người dân, về sự phát triển kinh tế, về trang bị cơ sở hạ tầng, về trình độ học vấn của bố mẹ.... Việc bất bình đẳng giới trong giáo dục đã để lại những hệ quả cho chính người trong cuộc và cho quá trình phát triển kinh tế xã hội tại nơi đây, vì vậy một số giải pháp được đề xuất để góp phần xóa bỏ bình đẳng giới trong tiếp cận giáo dục, tạo điều kiện cho việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện của người dân Nghệ An.

TS. Nguyễn Thanh Huyền trình bày tham luận

Bài tham luận thứ hai được trình bày của TS. Nguyễn Thanh Huyền, Giảng viên Khoa Công tác xã hội – ĐH Lao động Xã hội đã trình bày tham luận “Một số đề xuất nhằm nâng cao bình đẳng giới trong giáo dục đại học và sau đại học tại Việt Nam”. Nghiên cứu tập trung vào phân tích thực trạng của sự khác biệt giới trong lĩnh vực giáo dục sau đại học ở nước ta hiện nay, qua đó đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục sau đại học.

ThS. Lê Hồng Ngọc Bích và sinh viên Trần Thanh Ngân trình bày tham luận

Tham luận thứ ba được Ban tổ chức lựa chọn để trình bày trong hội thảo là nghiên cứu của tác giả ThS. Lê Hồng Ngọc Bích và sinh viên Trần Thanh Ngân với chủ đề “Nhận thức về vai trò của đầu tư giáo dục cho nữ giới - nghiên cứu trường hợp tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh”. Nghiên cứu tìm hiểu về mức độ nhận thức ở các gia đình về vấn đề đầu tư giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái, về sự cần thiết và lợi ích của việc đầu tư giáo dục cho nữ giới đối với vấn đề lao động việc làm và nâng cao vị thế xã hội đối với phụ nữ, nghiên cứu được thực hiện bằng phương pháp phân tích tổng hợp tài liệu và điều tra khảo sát. Mẫu khảo sát được lựa chọn ngẫu nhiên những người dân đang sinh sống và làm việc tại địa bàn phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, Tp. Hồ Chí Minh.

GVC-ThS. Hoàng Thị Thu Hoài trình bày tham luận

GVC-ThS. Hoàng Thị Thu Hoài đã trình bày tham luận cuối của buổi Hội thảo với chủ đề “Bình đẳng giới trong lựa chọn ngành học của sinh viên Cơ sở II, Trường Đại học Lao động - Xã hội”.  Nghiên cứu làm rõ làm thực trạng bình đẳng giới trong lựa chọn ngành học của sinh viên Trường Đại học Lao động – Xã hội (CS2) và đề xuất một số giải pháp giảm nhằm giảm định kiến giới, vươn tới một xã hội tiến bộ, công bằng, văn minh.

Sau khi lắng nghe phần trình bày của các tác giả, các hội thảo viên đã tiến hành thảo luận, trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến các vấn đề đặt ra xung quanh các tham luận được trình bày.

Đại biểu chia sẻ tại Hội thảo

Ban tổ chức Hội thảo trân trọng cảm ơn đến Ban Giám đốc CSII Trường Đại học Lao động – Xã hội đã quan tâm sâu sắc và tạo điều kiện thuận lợi cho Khoa Công tác xã hội tổ chức Hội thảo này. Đồng thời, Ban tổ chức cũng trân trọng cảm ơn các tác giả đã quan tâm gửi bài viết, tham dự và chia sẻ ý kiến. Những ý kiến trong Hội thảo đã làm rõ vấn đề bình đẳng giới trong giáo dục. Thành công của Hội thảo này có ý nghĩa rất lớn đối với công tác đào tạo tại khoa Công tác xã hội, CSII Trường Đại học Lao động – Xã hội.

Người viết : ThS. Nguyễn Thị Hoài Anh – Giảng viên K.CTXH
Danh Mục
Thống kê truy cập
  • Đang trực tuyến
    :  
  • Hôm nay
    :  
  • Hôm qua
    :  
  • Lượt truy cập
    :  
Hotline