HỘI THẢO KHOA HỌC CHỦ ĐỀ "CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG ỨNG PHÓ VỚI DỊCH BỆNH"

13:01, 27/12/2022
2204
0

Nhằm mục đích tạo diễn đàn trao đổi học thuật cho các giảng viên, các nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực công tác xã hội. Ngày 23 tháng 12 năm 2022, được sự cho phép của Ban giám đốc Nhà trường, Khoa Công tác xã hội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Công tác xã hội trong ứng phó với dịch bệnh”. Mục đích của Hội thảo là tạo ra diễn đàn để các nhà nghiên cứu, giảng viên, các nhà thực hành trao đổi và bàn luận để có nhìn nhận về vai trò CTXH trong ứng phó với dịch bệnh hiện nay. Từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện và nâng cao vai trò của công tác CTXH.

Giảng viên Khoa Công tác xã hội chụp ảnh với các nhà khoa học và khách mời

Ban Tổ chức Hội thảo đã vinh dự được đón tiếp Lãnh đạo Nhà trường, Lãnh đạo các đơn vị phòng ban, tập thể giảng viên Khoa Công tác xã hội và các tham dự viên là Quý Thầy/Cô giảng viên, nhà nghiên cứu, đội ngũ y tế, nhân viên CTXH tại các bệnh viện và các em sinh viên.

TS. Nguyễn Minh Tuấn trình bày đề dẫn khai mạc Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa CTXH nhấn mạnh vai trò của CTXH trong đời sống xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh thì CTXH đã thực sự tôn thêm giá trị của mình. Mặc dù nghề CTXH ở Việt nam chưa thực sự phát triển, số lượng nhân viên công tác xã hội chưa nhiều và nhận thức của xã hội về nghề cũng chưa sâu rộng. Tuy nhiên, sau những đóng góp vào các hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch bệnh Covid 19 trong thời gian qua thì nghề CTXH đã có một vị thế vững chắc trong hệ thống hỗ trợ và cung cấp dịch vụ. Hy vọng, trong thời gian tới, nghề CTXH sẽ tiếp tục được quan tâm và có những bước phát triển đột phá để CTXH phát huy tác dụng, góp một phần không nhỏ vào nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hội thảo là diễn đàn trao đổi để các nhà khoa học và học giả chia sẻ trao đổi và bàn luận để có nhìn nhận về vai trò CTXH trong ứng phó với dịch bệnh hiện nay. Từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện và nâng cao vai trò của công tác CTXH trong đời sống.

ThS. Hoàng Bảo Trường trình bày tham luận

Mở đầu Hội thảo, ThS. Hoàng Bảo Trường, Giảng viên công tác xã hội - Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam đã trình bày tham luận“Ứng dụng phương pháp CTXH nhóm trong hỗ trợ sức khỏe tâm thần của nhóm trẻ mất mát vì Covid-19 tại phường Cô Giang, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh”. Trong nghiên cứu của mình tác giả ứng dụng phương pháp công tác xã hội nhóm như một mô hình hỗ trợ cải thiện sức khỏe tâm thần cho nhóm trẻ này bằng các kỹ thuật đặc thù của công tác xã hội nhóm như: sinh hoạt theo chủ đề, tập huấn kỹ năng sống, tham vấn tâm lý nhóm... Kết quả của nghiên cứu cho thấy nhóm trẻ có sự thay đổi tích cực về cảm xúc, hành vi và các mối quan hệ xã hội khác.

ThS . Trương Thị Thuý Hoà trình bày tham luận

Bài tham luận thứ hai được trình bày của ThS. Trương Thị Thuý Hoà, Giảng viên Khoa CTXH, CSII Trường ĐH Lao động – Xã hội với chủ đề “Truyền thông giáo dục sức khoẻ cho bệnh nhân ứng phó với dịch bệnh tại bệnh viện Da Liễu Thành phố Hồ Chí Minh”. Nghiên cứu nhấn mạnh hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe đóng một vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trang bị kiến thức và kỹ năng để mỗi người, mỗi gia đình có thể chủ động phòng chống dịch bệnh, thay đổi hành vi có hại bằng những hành vi có lợi cho sức khỏe. Trên cơ sở đó, nghiên cứu làm rõ một số hoạt động cũng như một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông hỗ trợ bệnh nhân ứng phó với dịch bệnh an toàn.

Tác giả Nguyễn Hải Chiều trình bày tham luận

Tham luận thứ ba được Ban tổ chức lựa chọn để trình bày trong hội thảo là nghiên cứu của tác giả Nguyễn Hải Chiều hiện đang công tác tại Phòng CTXH Bệnh viện Bạch Mai với chủ đề “Hoạt động CTXH trong hỗ trợ người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, thành phố Hà Nội và Trung tâm Hồi sức Tích cực người bệnh COVID-19, thành phố Hồ Chí Minh do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách  trong bối cảnh dịch Covid-19”. Trình bày tại Hội thảo tác giải nhấn mạnh hoạt động công tác xã hội (CTXH) trong Bệnh viện có vai trò rất quan trọng trong chăm sóc sức khỏe; hỗ trợ người bệnh; người nhà người bệnh các vấn đề về tâm lý, xã hội. Nghiên cứu phân tích các hoạt động CTXH được triển khai tại Bệnh viện Bạch Mai, thành phố Hà Nội và Trung tâm Hồi sức Tích cực người bệnh COVID-19, thành phố Hồ Chí Minh do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách. Từ đó cung cấp thêm thông tin để củng cố các giá trị nghề CTXH trong đại dịch.

ThS. Nguyễn Phương Anh trình bày tham luận

ThS. Nguyễn Phương Anh, Giảng viên Khoa CTXH, Cơ sở 1, Đại học Lao động- Xã hội đã trình bày tham luận cuối của buổi Hội thảo với chủ đề “Hoạt động CTXH cho trẻ tự kỷ ứng phó với những ván đề nảy sinh từ đại dịch Covid – Kinh nghiệm tại Mỹ”.  Trẻ em tự kỷ là nhóm trẻ khuyết tật và có nguy cơ gặp phải những vấn đề khó khăn do đó cần nhận được sự chăm sóc đặc biệt từ phía gia đình và xã hội. Đặc biệt trong đại dịch Covid-19, trẻ em tự kỷ cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng này. Các em phải đối mặt với việc phong tỏa, không được đến trường, gián đoạn các hoạt động chăm sóc về y tế, giáo dục phục hồi. Công tác xã hội có những hoạt động để hỗ trợ cho mọi người nhằm giám thiểu những khó khăn do Covid mang lại. Do vậy, nghiên cứu đã thu thập và phân tích những kinh nghiệm tại Mỹ, một quốc gia có lịch sử phát triển lâu đời về hoạt động công tác xã hội hỗ trợ trẻ tự kỷ ứng phó với những vấn đề này sinh trong đại dịch Covid.

Sau khi lắng nghe phần trình bày của các tác giả, các hội thảo viên đã tiến hành thảo luận, trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến các vấn đề đặt ra xung quanh các tham luận được trình bày.

 

Sinh viên đặt câu hỏi cho các tham luận

Đại biểu khách mời chia sẻ tại Hội thảo

Ban tổ chức Hội thảo trân trọng cảm ơn đến Ban Giám đốc CSII Trường Đại học Lao động – Xã hội đã quan tâm sâu sắc và tạo điều kiện thuận lợi cho Khoa Công tác xã hội tổ chức Hội thảo này. Đồng thời, Ban tổ chức cũng trân trọng cảm ơn các tác giả đã quan tâm gửi bài viết, tham dự và chia sẻ ý kiến. Những ý kiến trong tọa đàm đã làm rõ vấn đề Công tác xã hội trong ứng phó với dịch bệnh. Thành công của Hội thảo này có ý nghĩa rất lớn đối với công tác đào tạo tại khoa Công tác xã hội, CSII Trường Đại học Lao động – Xã hội.

Người viết : ThS. Nguyễn Thị Hoài Anh – Giảng viên K.CTXH
Ý kiến bạn đọc

Các tin khác

Danh Mục
Thống kê truy cập
  • Đang trực tuyến
    :  
  • Hôm nay
    :  
  • Hôm qua
    :  
  • Lượt truy cập
    :