Trường Đại học Lao động - Xã hội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

17:10, 18/01/2022
1315
0
Theo NGƯT. TS Hà Xuân Hùng, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động – Xã hội, trong 5 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự tích cực, chủ động và triển khai thực hiện xuyên suốt, các phong trào thi đua để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Trường Đại học Lao động – Xã hội
Về công tác đào tạo
Trong năm qua, công tác tuyển sinh đại học, sau đại học hàng năm đạt từ 90% trở lên chỉ tiêu do Bộ Giáo dục và Đào tạo giao, là một trong số các trường đại học có tỉ lệ sinh viên nhập học cao. 
Giai đoạn 2016 - 2020, Trường mở mới 01 chuyên ngành đào tạo trình độ Tiến sĩ (Quản trị nhân lực); 04 chuyên ngành đào tạo trình độ Thạc sĩ (Kế toán, CTXH, QTKD); 03 ngành đào tạo trình độ đại học (Tâm lý học, Kinh tế lao động, Luật kinh tế). Năm 2021 tiếp tục mở thêm 02 ngành đào tạo trình độ đại học là Bảo hiểm -Tài chính và Quản trị du lịch và lữ hành.
 Đến nay, tổng quy mô đào tạo trong toàn trường là 16.066 NCS, học viên và sinh viên, trong đó NCS là 14 học viên, cao học là 520 học viên, đại học hệ chính quy là 14.993 sinh viên, hệ vừa làm vừa học là 454 sinh viên. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp hàng năm đạt loại khá, giỏi, xuất sắc từ 50% trở lên, đặc biệt từ năm 2017-2019, tỷ lệ người học đạt loại khá trở lên đạt trên 75%; trên 90% người học có kết quả rèn luyện từ khá trở lên.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chúc mừng Trường Đại học Lao động – Xã hội và các đơn vị của Bộ đón nhận các phần thưởng cao quý do Chủ tịch nước trao tặng
Về đảm bảo chất lượng giáo dục
Thực hiện kế hoạch tự đánh giá và công khai với xã hội các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của Trường, hàng năm, Nhà trường đều xây dựng và triển khai kế hoạch khảo sát tình trạng việc làm sinh viên sau khi tốt nghiệp; lấy ý kiến người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên và chất lượng đào tạo toàn khóa học trước khi tốt nghiệp; khảo sát mức độ đáp ứng công việc của sinh viên tốt nghiệp qua đánh giá của người sử dụng lao động.
Trường cũng tổ chức xây dựng 146 bộ Ngân hàng câu hỏi thi (NHCHT) đối với các học phần thi viết. Hàng năm, Nhà trường tổ chức thực hiện rà soát, chỉnh sửa, bổ sung câu hỏi cho các bộ NHCHT; Xây dựng quy định về tổ chức thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập, chấm thẩm định bài thi cho các môn, học phần. Thực hiện quản lý điểm thi trên phần mềm quản lý đào tạo đúng quy trình, quy định, đảm bảo kết quả học tập khách quan, công bằng.
Lễ trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học cho Trường Đại học Lao động – Xã hội năm 2018
Đặc biệt năm 2018, Trường đã được Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của một trường đại học có tầm vóc trong hệ thống các trường đại học trên cả nước, giúp trường tự rà soát, xem xét, đánh giá thực trạng của mình, lập và triển khai các kế hoạch hành động cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo để điều chỉnh mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo theo hướng cao hơn. Sự kiện này đã thể hiện tính tự chủ và tính tự chịu trách nhiệm của Nhà trường trong toàn bộ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phù hợp với sứ mạng và mục tiêu của trường. Kết quả Báo cáo của Đoàn đánh giá ngoài cho thấy, Trường đã có nhiều hình thức và loại hình đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong ngành và của đất nước; các hoạt động đào tạo trong trường về cơ bản đã thực hiện theo phương thức đào tạo tín chỉ; đã quan tâm đến lấy ý kiến phản hồi của người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên; chú trọng đến việc đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá thông qua việc đa dạng hóa các hình thức, hướng tới đánh giá quá trình học tập của người học. 7. Công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) của trường gần đây đã được quan tâm và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Số lượng đề tài NCKH ở tất cả các cấp thực hiện hàng năm đã tăng lên nhiều. Trường cũng rất quan tâm, khuyến khích cán bộ, giảng viên trong việc công bố sản phẩm NCKH. Hệ thống giáo trình, tài liệu học tập là sản phẩm của các đề tài khoa học đã được biên soạn và được cập nhật, hoàn thiện.
Nhà trường cũng đảm bảo diện tích cho hệ thống các phòng học, phòng làm việc, phòng sinh hoạt chuyên môn cho giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và được trang bị các thiết bị giảng dạy và học tập cơ bản; có hệ thống máy tính, thống đường truyền cáp quang kết nối internet phục vụ công tác quản lý và học tập; thư viện đã đáp ứng một phần giáo trình, tài liệu theo yêu cầu và được bổ sung hàng năm; có đủ số phòng thực hành, thí nghiệm với nhiều trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đào tạo, NCKH cho các chương trình đào tạo và đã được đầu tư, nâng cấp định kỳ.
Về công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ
Trong giai đoạn 2016 -2020, Nhà trường tiếp tục được củng cố và phát triển, từng bước đổi mới theo hướng chú trọng vào nâng cao chất lượng nghiên cứu, giải quyết những vấn đề thực tiễn sát với sự phát triển của Nhà trường, của ngành, trong đó xác định mục tiêu chủ yếu là “Nâng cao chất lượng và phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên, phấn đấu hàng năm đạt và vượt các chỉ tiêu về nghiên cứu khoa học đã đề ra, hướng tới đạt được các tiêu chí trong tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục: “Nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ”.
Nghiệm thu đề tài cấp Nhà nước của Trường Đại học Lao động – Xã hội (ngày 2/7/2020)
Giai đoạn 2016-2020, Trường đã chủ trì và thực hiện thành công đề tài cấp Nhà nước: “Nghiên cứu chính sách thu hút nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số đến năm 2030”. Đây là đề tài cấp nhà nước thứ hai từ trước đến nay của nhà trường, có tính ứng dụng cao giúp cho Đảng, Nhà nước, chính quyền các địa phương trong việc đưa ra chủ trương, hoạch định chính sách thu hút nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số hiện nay.
Không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên
Giai đoạn 2016 - 2020, Trường đã xây dựng đội ngũ viên chức, người lao động có phẩm chất chính trị vững vàng, chuyên môn giỏi, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu đáp ứng yêu cầu của công tác cán bộ trong thời kỳ mới. Số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ không ngừng tăng. Cụ thể: Năm 2016, Trường có 64 giảng viên có trình độ tiến sĩ (chiếm 10,7%), đến năm 2020 đã có 126 giảng viên có trình độ tiến sĩ (chiếm 35,69 %); giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên là 348 người (chiếm 98.6%), Số giảng viên có trình độ của nhân ngoại ngữ, tiếng Anh trình độ B, C ngày càng được nâng cao (chiếm tỷ lệ 97,8%). Trong giai đoạn này, có 87 cán bộ, giảng viên được cử đi đào tạo trình độ lý luận chính trị (trung cấp, cao cấp, cử nhân). Đặc biệt năm 2020, Trường đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo chương trình trung cấp lý luận chính trị cho 70 viên chức.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của cán bộ, giảng viên được Nhà trường quan tâm, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng đào tạo. Trong giai đoạn 2016 - 2020, có 54 cán bộ, giảng viên theo học Nghiên cứu sinh; 576 lượt cán bộ, giảng viên được cử đi tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng ở trong nước và ngoài nước nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng tốt yêu cầu của công việc.
Với những thành tích nêu trên, trong những năm qua, Trường Đại học Lao động - Xã hội đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2021); Cờ thi đua của Chính phủ (năm 2019); Cờ Thi đua của Bộ LĐ-TB&XH (năm 2018, 2019) cùng nhiều danh hiệu khác.
Người viết : Đức Dương
Danh Mục
Thống kê truy cập
  • Đang trực tuyến
    :  
  • Hôm nay
    :  
  • Hôm qua
    :  
  • Lượt truy cập
    :  
Hotline