Thủ tướng: Phát triển kinh tế cần đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội

07:47, 20/05/2021
1336
0

Ngày 19/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ chiến lược của ngành, các vấn đề tồn đọng và cấp bách cần giải quyết…

thu-tuong

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Ngân sách dành cho phúc lợi xã hội cao nhất ASEAN

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: "Trong 5 năm qua, Bộ đã bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch hành động, "dám nghĩ, dám làm" với nhiều cách làm mới, sáng tạo, tập trung thực hiện tốt đột phá chiến lược về xây dựng và hoàn thiện thể chế".

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Nhà nước đã dành 21% ngân sách cho phúc lợi xã hội - mức cao nhất trong số các nước ASEAN - nhờ đó đã cơ bản thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.

Trong bối cảnh đại dịch, thông qua chính sách hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ và chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ hơn 14,4 triệu người với tổng kinh phí hơn 33.000 tỷ đồng.

bo-truong-dnd

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Trong 5 năm qua, đời sống người có công với cách mạng không ngừng được nâng lên. Ngân sách Nhà nước dành hơn 32.000 tỷ đồng để thực hiện các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân.

"Công tác giảm nghèo là điểm sáng của Việt Nam và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, coi là một trong những câu chuyện thành công nhất và đóng góp nhiều bài học thành công cho thế giới", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Kết quả tạo việc làm đạt thành công nổi bật, tạo được hàng triệu việc làm mới với mức thu nhập tốt hơn. Việt Nam là một trong 10 nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trên thế giới, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực. Vị thế, vai trò và kết quả của giáo dục nghề nghiệp có chuyển biến tích cực; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 51,6% năm 2015 lên 64,5%.

Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từng bước trở thành trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt việc phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW có bước phát triển vượt bậc. Đến nay, trên 90% dân số đã tham gia bảo hiểm y tế.

Chính sách trợ giúp xã hội đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng ở mọi lứa tuổi, trẻ em được bảo vệ và chăm sóc, xây dựng môi trường sống an toàn. Thu hẹp khoảng cách giới trên tất cả các lĩnh vực, chỉ số giới của Việt Nam nằm trong các quốc gia thuộc nhóm cao nhất trong 5 nhóm trên thế giới.

Dứt điểm xóa tình trạng nhà tạm, nhà dột nát

Thời gian tới, Bộ và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội xác định quan điểm thực hiện chính sách xã hội toàn diện, bao trùm, bền vững, với 3 nội dung cốt lõi: Nâng tầm kỹ năng lao động; tạo việc làm thỏa đáng; an sinh xã hội bền vững với 2 trụ cột cơ bản nhất là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

Bộ kiến nghị nhiều nội dung như sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng Đề án cung cầu lao động quốc gia; cho phép triển khai gói bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt.

Về giảm nghèo, Bộ kiến nghị các giải pháp thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ một số hộ nghèo, tách các đối tượng này khỏi đối tượng hộ nghèo và cho hưởng chính sách bảo trợ xã hội, bảo đảm mức sống tối thiểu; phân công mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm giúp đỡ ít nhất một huyện nghèo; chỉ đạo xử lý dứt điểm 100% nhà tạm, nhà đơn sơ trên quy mô cả nước trong 5 năm tới…

pho-thu-tuong

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Bộ và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã có nhiều chuyển biến nổi bật trên các lĩnh vực; kịp thời xử lý, không để xảy ra "điểm nóng". Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ tập trung vào 3 khâu đột phá: Xây dựng lưới an sinh xã hội, quan tâm hơn công tác cai nghiện, xóa nhà dột nát, nhà tạm tại các huyện nghèo; đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số.

Từ thực tiễn của tỉnh Điện Biên với 2 huyện nghèo nhất cả nước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cũng đồng tình cao với quyết tâm của Bộ trong việc xóa nhà tạm, nhà dột nát. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đề nghị Bộ tổ chức thực hiện thật tốt, tập trung mọi nguồn lực để có thể hoàn thành nhiệm vụ này trong vòng 2-3 năm tới.

Tạo hiệu quả thực chất

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trong thời gian vừa qua, Bộ và ngành đã đạt được nhiều kết quả tích cực nổi bật. Trong đó, công tác giảm nghèo là điểm sáng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, nhân dân đánh giá cao, góp phần vào kết quả chung của cả nước. Thị trường lao động tiếp tục phát triển, nguồn nhân lực tăng lên cả về số lượng và chất lượng, nhân lực trong một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế.

Chính sách ưu đãi người có công, an sinh xã hội được thực hiện nghiêm túc, có đột phá. Công tác trợ giúp xã hội ngày càng được mở rộng, diện bao phủ tốt hơn. Công tác bình đẳng giới, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được quan tâm, đạt nhiều thành quả. Công tác xây dựng Đảng, cải cách hành chính, xây dựng bộ máy đạt được những thành tích nhất định.

Có được những kết quả này là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; sự đoàn kết, nhất trí trong nội bộ để vượt qua khó khăn thách thức và khắc phục các yếu kém, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; bám sát sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan, các địa phương.

Cùng với đó, Bộ có Đảng bộ trong sạch, vững mạnh nhiều năm, Bộ trưởng quyết liệt đổi mới, sáng tạo. Ban Cán sự Đảng lãnh đạo Bộ đoàn kết, thống nhất, đồng tâm, nhất trí. Đánh giá về những kết quả trên, Thủ tướng cho biết: "Phải khẳng định để tiếp tục phát huy".

lao-dong-3-1621428561423

Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu rõ, Bộ và ngành còn những nhóm công việc chưa làm tốt. Đơn cử như thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ, chưa hiện đại, thiếu liên thông. Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn chậm cải thiện, còn khoảng cách lớn với các nước trong khu vực. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội chưa cao, chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự trở thành công cụ hiệu quả. Thông tin về thất nghiệp còn chậm được cập nhật…

Tập trung nhiều nhiệm vụ lớn

Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chính sách xã hội có vai trò rất quan trọng với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, coi đây vừa là mục tiêu và động lực để  ổn định và phát triển bền vững đất nước.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị Bộ và ngành tiếp tục thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, trong đó tập trung vào một số tư tưởng chỉ đạo, nhiệm vụ lớn.

Trước hết, Bộ cần bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chương trình hành động thực hiện sắp được Chính phủ ban hành và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để xây dựng, triển khai hiệu quả kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết.

lao-dong-1-1621428561192

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (thứ 3, từ trái qua) trao đổi với các đại biểu tại cuộc họp

Cần quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc quan điểm về chính sách xã hội của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", trong đó khẳng định phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Phát huy truyền thống, khí thế tốt đẹp của ngành và những thành tựu đạt được, không thỏa mãn, chủ quan, tiếp tục kế thừa, đổi mới, ổn định và phát triển; tất cả vì sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và nhân dân, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, gạt bỏ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; khuyến khích những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì việc chung.

Thủ tướng lưu ý: "Suy nghĩ không chín, tư tưởng không thông, quyết tâm không cao thì việc gì cũng khó, nỗ lực không lớn thì không thể vượt qua được những khó khăn trong bối cảnh mới, không hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện không có trọng tâm, trọng điểm thì không ra sản phẩm, không đạt được mục đích trong bối cảnh yêu cầu công việc cao, nhu cầu lớn nhưng nguồn lực, thời gian có hạn".

Bảo đảm thượng tôn pháp luật, xây dựng, hoàn thiện và thực thi tốt pháp luật. Lĩnh vực của ngành liên quan đến nhiều người dân, nên các chính sách, thông điệp của Ngành cần giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ giám sát, kiểm tra, đánh giá.

Cần có chính sách, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để khắc phục các thách thức và hậu quả của tình trạng già hóa dân số, nhất là chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi.

Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nâng cao nhận thức, quan tâm sâu hơn, đầu tư nhiều hơn, hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả thể chế, chính sách với người nghèo, người yếu thế...

Nguồn: dantri.com.vn

Danh Mục
Thống kê truy cập
  • Đang trực tuyến
    :  
  • Hôm nay
    :  
  • Hôm qua
    :  
  • Lượt truy cập
    :  
Hotline