NGHIỆM THU ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC SINH VIÊN

14:29, 16/10/2024
731
0

Theo Quyết định số 526/QĐ-CSII ngày 15 tháng 08 năm 2024 của Giám đốc cơ sở II, Trường Đại học Lao động – Xã hội về việc thành lập hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên năm 2024. Đề tài: “Các yếu tố ảnh hưởng đến lòng trung thành của khách hàng đối với thương hiệu điện thoại Samsung”. Đề tài được nhóm nghiên cứu thực hiện, gồm:

1. SV. Huỳnh Anh Tuân – Lớp Đ21KD3 – Chủ nhiệm

2. SV. Nguyễn Thị Thanh Trúc– Lớp Đ20NL5 Đ21KD3 – Thành viên

3. SV. Lê Phạm Thị Viễn Trà – Lớp Đ21KD3 – Thành viên

4. SV. Hồ Thị Huyền Trân – Lớp Đ21KD3 – Thư ký

Giảng viên hướng dẫn: ThS. Lâm Văn Siêng

Ngày 20/08/2024, tại phòng họp 02.B3, Hội đồng nghiệm thu đã tổ chức nghiệm thu đề tài trên, kết quả đề tài đã được nhóm nghiên cứu trình bày và báo cáo trước hội đồng với kết quả đạt được xếp loại Tốt.

Từ lý thuyết và lược khảo các công trình nghiên cứu liên quan, nhóm tác giả nghiên cứu cho thấy tất cả 5 yếu tố: (1) Uy tín thương hiệu, (2) Tính năng sản phẩm, (3) Giá cả cảm nhận, (4) Ham muốn thương hiệu, (5) Sự hài lòng đều ảnh hưởng đến lòng trung thành thương hiệu của khách hàng đối với điện thoại di động Samsung. Trong đó, các nhân tố tác động mạnh nhất đến lòng trung thành của khách hàng đối với thương hiệu điện thoại di động Samsung là: Giá cả cảm nhận (hệ số hồi quy = 0.392), Tính năng sản phẩm (hệ số hồi quy = 0.331) và Sự hài lòng (hệ số hồi quy = 0.286).

 Từ kết quả nghiên cứu trên, nhóm tác giả nghiên cứu rút ra một số nhận định cho các nhà quản lý:

        Thứ nhất, Hai nhân tố Giá cả cảm nhận và Tính năng sản phẩm là nhân tố quan trọng, có ảnh hưởng cao đến lòng trung thành của khách hàng đối với thương hiệu điện thoại di động Samsung, đã được khẳng định trong nghiên cứu này. Những lợi ích mà điện thoại di động Samsung mang lại càng xứng đáng với số tiền mà khách hàng bỏ ra thì họ càng trung thành với thương hiệu.

        Thứ hai, Hai nhân tố Ham muốn thương hiệu và Sự hài lòng cũng có mức độ ảnh hưởng đến lòng trung thành của khách hàng, đã được khẳng định trong nghiên cứu này. Thương hiệu điện thoại Samsung nên có các chiến lược để tạo ra sự hài lòng và ham muốn đối với thương hiệu để qua đó nâng cao lòng trung thành thương hiệu của khách hàng.

         Thứ ba, Uy tín thương hiệu cũng là một nhân tố hết sức quan trọng, có ảnh hưởng đến lòng trung thành của khách hàng. Khi khách hàng trung thành với thương hiệu  thì họ sẽ mua lại sản phẩm hoặc sẽ giới thiệu khách hàng mới cho thương hiệu. Do vậy, việc xây dựng và duy trì uy tín thương hiệu là cần thiết.

Mặc dù đề tài cũng có những đóng góp đáng kể nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, những hạn chế này cũng vạch ra cho nhóm tác giả và các đề tài khác hướng nghiên cứu tiếp theo hoàn thiện hơn. Các hạn chế và hướng nghiên cứu tiếp theo của đề tài tập trung vào những vấn đề sau:

       Thứ nhất, nghiên cứu này chỉ được thực hiện cho điện thoại di động Samsung, có thể có sự khác biệt về thang đo lường của các dạng sản phẩm khác. Như vậy, cần nghiên cứu lập lại cho nhiều loại sản phẩm khác nhau.

       Thứ hai, nghiên cứu này chỉ thực hiện tại khu vực cơ sở 2, Trường Đại học Lao động – Xã hội, đối tượng được nghiên cứu sinh viên sử dụng điện thoại di động Samsung có thu nhập trung bình, nên khi áp dụng vào khu vực địa lý khác, đối tượng khách hàng khác có thể chưa đạt mức độ tương thích cao vì với các khu vực khác nhau, đối tượng khác nhau có thể sẽ có hành vi tiêu dùng khác nhau do có sự khác nhau về động cơ, tâm lý, thu nhập.

        Thứ ba, nghiên cứu chỉ khảo sát đối với những người đang sử dụng điện thoại di động Samsung, do đó, chưa đánh giá hết được cảm nhận của khách hàng tiềm năng. Đồng thời, chưa khảo sát các nguyên nhân làm cho khách hàng thay đổi thương hiệu điện thoại di động (đối với những khách hàng đã thay đổi thương hiệu điện thoại sử dụng ít nhất một lần).

Hội đồng nghiệm thu đã đưa ra các ý kiến nhận xét và phản biện để nhóm tác giả tiếp tục hoàn thiện đề tài. Kết quả của đề tài được chỉ ra có thể được sử dụng để tham khảo đối với các nhà nghiên cứu, các giảng viên, sinh viên trong nhà trường. Hội đồng đã đưa ra kết luận đồng ý nghiệm thu đề tài sau khi nhóm tác giả hoàn tất các chỉnh sửa theo biên bản góp ý của hội đồng.

Người viết : Khoa QTKGD
Ý kiến bạn đọc

Các tin khác

Danh Mục
Thống kê truy cập
  • Đang trực tuyến
    :  
  • Hôm nay
    :  
  • Hôm qua
    :  
  • Lượt truy cập
    :